Có một nhịp “SONG LANG” nhẹ nhàng và day dứt

Nếu mượn câu nói của nhân vật Linh Phụng để mở đầu “người ta có thể vượt thời gian theo 3 cách, đồ vật, con người và nơi chốn…” thì quả thật phim đã giúp tôi vượt thời gian. Từ cái lò xô, cái chạn, cái tivi đời cũ, băng video, cassette, máy game bốn nút, nước ngọt trong bịch nylon… lần lượt xuất hiện trong phim như đã kéo tôi về với một bầu trời tuổi thơ và nhất là về với thời thơ ấu với “Cải lương” ngày nào. Dẫu phim tái hiện rạp cải lương thời hoàng kim còn thiếu chút rực rỡ, nhưng với kiểu hành lang rạp hát ấy, hàng ghế khán phòng kiểu cũ ấy, cũng đủ làm cho tôi nhớ lại Hưng Đạo, Đại Đồng, Long Vân… một thời rực sáng ánh đèn cải lương. Và cũng chợt nhận ra từ ngày rạp Hưng Đạo được phá bỏ để xây lại với bao “ồn ào”, đã lâu lắm rồi tôi không còn đến rạp xem cải lương nữa, đã lâu lắm rồi không còn nghe tiếng song loan giữ nhịp cho bài đờn, đã lâu rồi không còn nhìn thấy “xiêm y” rực rỡ trên khấu tuồng cổ nữa.

Bản thân bị ấn tượng bởi hình tượng song loan trong phim (trong phim nhạc khí này được gọi bằng một dị văn là song lang – cũng là tên phim). Trong dàn nhạc tài tử, song loan là dụng cụ giữ trường canh cho cả ban nhạc, các nhạc cụ khác theo tiếng phách của song loan đó mà giữ tiết tấu của mình, thế nên người giữ song loan cũng như nhạc trưởng vậy. Trong phim, cái đêm Dũng đem đàn và song loan ra đệm cho Linh Phụng hát cũng đánh dấu bước ngoặc trong việc Dũng quyết định thay đổi cuộc đời mình. Phải chăng tiếng song loan đêm đó không chỉ giữ nhịp đàn mà còn giúp đưa cái thứ âm thanh lạc lõng ngày nào như Dũng Thiên Lôi về lại với những “cung thương hoà điệu” bên cạnh thứ tình cảm không rõ tên gọi vừa nhen nhúm. Nhưng… kết thúc một giai điệu cũng là phách song loan, phách song loan đêm đó đánh dấu sự thay đổi, hay báo trước sự kết thúc đột ngột của câu chuyện giữa Dũng và Phụng?

Lại nói Trường tương tư, bài bản này thường dùng viết những khúc nhẹ nhàng, tuy không thê lương bằng Nam Ai, nhưng lẫn lộn hơi ai hơi oán, không kém phần thất vọng nhớ nhung. Thế nên khúc Trường Tương Tư mà Linh Phụng hát trong đêm đó không chỉ như tiếng ai – oán của gia đình Dũng, mà âu cũng là báo hiệu một tiếc nuối cho câu chuyện của Dũng và Linh Phụng.

Phim quay đẹp, tinh tế khi chăm chút từng chi tiết cho phù hợp với khung cảnh Sài Gòn một thời. Nhiều hình ảnh giàu chất thơ, như hình ảnh của Dũng và Linh Phụng bên khung cửa sổ buổi sáng sớm, như hình ảnh cầu thang chung cư ngày ngày u ám bỗng hôm đó loé lên những ray nắng như hy vọng tràn về. Nhiều ý thoại đắt như “vượt thời gian”, hay “lần đầu gặp nhau không phải đòi nợ”. Mà… nhớ đến chi tiết lần đầu gặp nhau làm chi, để rồi “biết có duyên gì hay không”.

Phim kết thúc trong vụn vỡ và nuối tiếc, y như thể vừa đọc xong “Cánh đồng bất tận” hay “Chiều vắng” của Tư vậy. Cái cảm giác làm người ta ức rằng tại sao lại xem chi cho tiếc, mà đồng thời cũng nghĩ là không xem thì cũng tiếc vì sao biết có những thứ tình đôi lúc nhẹ nhàng mà đầy dằn vặt…

No Comments

Post A Comment