24 Th8 Đại học Nalanda và chư vị Hiền triết – Phần 2
Kính lễ Đức Thế Tôn!
Loạt bài này được con thực hiện với tâm thành kính nhớ về một trung tâm Phật học huy hoàng một thời cũng như tri ân chư vị Hiền triết. Đồng thời, cũng nhằm góp phần truyền lưu và củng cố niềm tin nơi Tam Bảo.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu. Ngoài ra, cũng có sử dụng bài kệ tán thán 17 Hiền triết Nalanda do đức Dalai Lama 14th trước tác qua bản Việt dịch của Sư Cô Pháp Đăng. Con thành kính tri ân tác giả của các nguồn tư liệu và cũng sám hối những sai sót nếu có trong quá trình thực hiện.
Bài viết được hoàn tất lần đầu những ngày tháng 8 Âm lịch năm Nhâm Dần (sau mùa An cư PL. 2566); được hiệu chỉnh trong mùa An cư PL. 2567
Phần 2: 17 vị Hiền triết Nalanda (Lục bảo trang nghiêm và Nhị vị Luật sư)
Trong bài viết này, để thuận lợi cho quý đạo hữu có thể tìm thêm thông tin thì đại bộ các danh từ riêng sẽ dùng cách ghi phiên âm Sanskrit hoặc tiếng Anh làm từ chính. Tuy nhiên, đối với tên các vị Hiền triết thì vẫn dùng tên Hán Việt (phiên âm hoặc nghĩa) làm từ chính vì sẽ thân quen hơn.
Bên cạnh từ chính, tác giả cũng chú thích thêm các cách viết khác theo quy ước sau
C. – Hán tự
S. – Sanskrit
T. – Tạng
Mục lục

Khái quát
“17 Hiền triết của tu viện Nalanda” đề cập đến mười bảy đạo sư Phật giáo quan trọng và có nhiều ảnh hưởng từ thời xa xưa của Ấn Độ. Đức Dalai Lama 14th thường khẳng định Ngài chính là sự nối tiếp dòng truyền thừa của 17 Hiền triết Nalanda đến ngày nay. Đức Dalai Lama 14th còn trước tác một bài kệ tán thán, thỉnh cầu 17 vị Hiền triết này. Vậy 17 vị ấy là ai? Trong số 17 vị, được nhiều tài liệu nghiên cứu nhắc đến nhất là tám vị bao gồm: “Lục bảo trang nghiêm” và “Nhị vị Luật sư”.
“Lục bảo trang nghiêm” đó là: Long Thọ, Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Trần-na, Pháp Xứng. Sáu vị này chính là những tổ sư quan trọng và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ. Trong số này, Long Thọ và Thánh Thiên là hai đạo sư đầu tiên của trường phái Trung quán; Vô Trước và Thế Thân là hai đạo sư đầu tiên của trường phái Duy Thức; còn Trần-na, Pháp Xứng là hai đạo sư khai phá, phát triển Nhân minh học Phật giáo. “Nhị vị Luật sư” chỉ hai Luật sư vĩ đại: Công Đức Quang1nhiều tài liệu dùng tên khác là Đức Quang và Thích Ca Quang.
Dưới góc độ phân chia thành các trường phái Triết học Phật giáo, 17 Hiền triết có thể được xem là đại diện của các trường phái như bảng. Trong phần này của bài viết sẽ đề cập đến “Lục bảo trang nghiêm” và “Nhị vị Luật sư” trước, các vị còn lại trong danh sách sẽ đề cập trong bài tiếp theo.


LONG THỌ
Thỉnh cầu dưới chân Long Thọ
Phân tích Đại thừa trung đạo như Phật thọ ký.
Dựa vào đạo lý duyên khởi thâm thúy
Hiểu rõ nghĩa của không tánh vô biên tế – tôn chỉ của Đại Bát Nhã kinh.
Long Thọ (C. 龍樹; S. Nāgārjuna; T. ཀླུ་སྒྲུབ་ klu sgrub) là một trong những luận sư vĩ đại của lịch sử Phật giáo, cũng là khai phái tổ sư Trung Quán tông.
Có nhiều ghi chép phủ màu kỳ diệu xung quanh cuộc đời của Ngài. Trong đó, có một vài điểm có thể được xác nhận, đó là Ngài sống trong thế kỉ thứ 2, xuất thân từ một gia đình Brahmana (Bà-la-môn) ở Vidarbha (tiểu bang Maharashtra hiện nay) miền Trung Ấn. Từ nhỏ, được học và tinh thông nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, huyền thuật và dĩ nhiên kể cả kinh Veda như bao Bà-la-môn khác. Thế nhưng, Ngài lại không tìm được chân lý như mình mong muốn và tìm đến Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa để rồi trở thành một luận sư vĩ đại được biết đến nhiều nhất trong “Sáu bảo trang nghiêm”.

Thông tin có thể kiểm chứng về cuộc đời thực sự của Ngài rất ít, bởi đa phần đều mang màu sắc huyền thoại. Các nhà nghiên cứu lịch sử sau này đã xác định được khoảng thời gian Ngài hoằng hoá thông qua một vị vua xứ Sātavāhana (Bảo Hành), tên Gautamīputra Satakarṇin, ngự trị từ năm 106 đến năm 130. Ngài từng viết thư khuyên vị vua này, những lời khuyên đó còn được lưu truyền trong tập Khuyến Giới Vương Tụng (S. Suhṛllekha). Ngoài ra, Bảo Hành Vương Chính Luận của Ngài cũng có liên hệ đến vị vua này.
Ngài đã trước tác nhiều luận điển quan trọng như Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, Đại Trí Độ Luận, Thập Trụ Tỳ-bà-sa Luận, Bồ-đề Tư Lương Luận, Hồi Tránh Luận v.v…. Trong đó, đáng chú ý nhất là Trung Luận và Đại Trí Độ Luận.
“Trung Luận” tên tiếng Phạn là Mūlamadhyamaka-kārikā2Mūla nghĩa là “căn bản”; madhyamaka xuất phát bởi tính từ madhya (trung, trung gian), cộng thêm đuôi ma (tối cao, chí thượng), hình thành nên nghĩa “tối trung” hoặc “chí trung”; kārikā nghĩa là “tụng kệ”, “luận tụng” có thể được dịch là “Căn Bản Trung Luận Tụng”. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, sở dĩ Trung Luận được gọi là “Căn Bản Trung Luận Tụng” vì nhiều trước tác của Long Thọ sau này như Thập Nhị Môn Luận, Vô Uý Chú .v.v. đều dựa trên những lý thuyết căn bản của Trung Luận mà triển khai. Trong Trung Luận, Ngài xiển dương tinh thần của giáo lý duyên khởi và làm sáng tỏ pháp quán trung đạo, trí tuệ tánh không. Mục đích tạo luận được Ngài chỉ rõ trong những câu kệ đầu của Trung Luận: “Bất sanh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất. Năng thuyết thị nhân duyên, thiện diệt chư hí luận, ngã kê thủ lễ Phật, chư thuyết trung đệ nhất”, đó chính đưa ra con đường trung đạo rời khỏi sự điên đảo hí luận hai cực đoan thường – đoạn, không (vô) – có (hữu) đang thịnh hành vào thời của Ngài. Trung luận có lẽ là luận thuyết triết học được phân tích, bình luận và thảo luận nhiều nhất trong lịch sử Phật giáo.
“Đại Trí Độ Luận”, một đại luận căn bản của Phật pháp, được Ngài trước tác để giải thích kinh điển Bát-Nhã. Bộ luận này giảng giải bao quát nhiều vấn đề liên quan đến học thuyết, tư tưởng, truyền thuyết, lịch sử, địa lý, các quy định thực tiễn, giới luật Tăng già; dẫn dụng nhiều Kinh sách bao hàm cả kinh A-hàm, luận A-tỳ-đàm của các Bộ phái, các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Duy-ma-cật, A-di-đà, luôn cả tư tưởng của phái Thắng Luận… Thế nên, “Đại Trí Độ Luận” thường được ví như là một bộ Phật Giáo Bách Khoa Toàn Thư.
Nhìn chung, trong các luận điển của mình, ngài Long Thọ đã nhiều lần diễn giải về Duyên khởi, Tánh Không, khai thị kinh điển Bát-nhã là những tư tưởng vốn có từ thời Đức Phật. Các tác phẩm Ngài cũng đã đánh đổ nhiều luận thuyết đang tồn tại đương thời của Số Luận Phái, Thắng Luận Phái, Nhất Thiết Hữu Bộ… Không chỉ được xem là người hệ thống hóa và sáng lập ra trường phái triết học Phật giáo Trung Quán (Madhyamaka), Ngài cũng xuất hiện như là những vị tổ sư của 8 trong số 10 tông phái của Phật giáo Trung Hoa. Tư tưởng Tánh không của Ngài cũng ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo và Thiền tông của nhiều nước như Nhật Bản và Việt Nam.
Truyền thuyết về tên Ngài: Có khá nhiều truyền thuyết xung quanh tên Ngài. Dưới dây chỉ dẫn một trong những câu chuyện đó.
Tương truyền là đức Phật đã phó chúc cho loài Nāga gìn giữ bộ kinh Prajñāpāramitāsūtra (Bát-nhã-ba-la-mật-đa) để chờ đến khi nào nhân duyên viên mãn, loài người đủ khả năng sẽ tiếp thu giáo lý này. Sau đó, vì kính trọng Ngài mà Nāga trao lại bộ kinh đó cho Ngài. Truyền thuyết này giải thích cho tên của Ngài là “Nāgārjuna”. Trong đó, nāga = loài Naga, một loài trong truyền thuyết Ấn Độ có vẻ gần giống rắn (sang Trung Hoa thi được dịch thành rồng) ; còn arjuna = màu trắng, thanh tịnh hoặc cũng là tên của một loài cây. Dịch sát nghĩa cũng có thể hiểu là “trong trắng như loài Nāga”.
Tên Hán Việt “Long Thọ” của Ngài chính là dựa theo các văn tự Trung Hoa đã dịch nghĩa cụm từ Nāgārjuna như giải thích ở trên. Và cũng chính vì truyền thuyết liên quan đến loài Naga này mà trong tranh tượng về Ngài thường có biểu tượng những con rồng (hoặc rắn) trong hào quang của Ngài.

THÁNH THIÊN
Thỉnh cầu vương tử Thánh Thiên
Đỉnh trân châu nắm giữ luận thư của Long Thọ,
Đứa con chủ yếu, bậc trí và thắng thành tựu
Qua bờ đại dương của nội và ngoại tông luận
Thánh Thiên (C. 聖天; S. Āryadeva) khoảng thế kỷ thứ 3 CN. Ngài được xem là đệ tử trực tiếp và xuất sắc nhất của ngài Long Thọ và là người đầu tiên chính thức chú giải quan điểm của luận sư Long Thọ. Tên Āryadeva của Ngài tương truyền là do chính ngài Long Thọ đặt, có nghĩa là bậc thánh nhân thanh tịnh.
Ngài sinh ra trong một gia đình hoàng tộc ở Sri Lanka (Tích-lan), danh xưng Ngài trong bài kệ tán đi kèm cụm từ “vương tử” hẳn có liên quan đến xuất thân này của Ngài. Ngài xuất gia tu học từ thuở nhỏ, sớm làu thông Tam Tạng Kinh Điển. Sau đó, Ngài theo thọ học cùng Long Thọ.
Lúc bấy giờ, một học giả ngoại đạo giỏi tài biện luận đi khắp nơi diễn thuyết và thường công kích Phật giáo. Người này đã đến Nalanda để tranh biện. Khi ấy, không có học giả nào tại Nalanda đủ sức tranh biện thắng ông ta. Thế nên, chư vị Tỳ-kheo ở Nalanda đã viết thư thỉnh Thánh Thiên đến giúp đỡ. Thánh Thiên đã đến tranh biện cùng vị học giả ngoại đạo trong suốt nhiều ngày liền với sự chứng kiến của nhiều học giả đến từ các tôn giáo và trường phái triết học đương thời. Kết quả, vị học giả kia đã bị khuất phục hoàn toàn và xin được trở thành đệ tử của Thánh Thiên. Trong quá trình xiển dương Trung Quán tông cùng các quan điểm của Tôn sư Long Thọ, Ngài không khoan nhượng và tích cực đưa ra những luận điểm bài phá ngoại đạo. Có lẽ, từ sự tích cực đó và truyền tích về cuộc tranh biện của Ngài tại Nalanda năm xưa mà tranh tượng của Ngài cũng thường được tạo tác với tay phải giơ cao sẵn sàng đập xuống trong tư thế biện kinh.
Sự dấn thân của Ngài trong “nội và ngoại tông luận” đã góp phần làm Phật giáo Trung Quán phát triển sâu rộng hơn tại Ấn Độ. Từ đó, Thánh Thiên được mọi người tôn kính như một tiếng nói đáng tin cậy trong trường phái Trung Quán chỉ sau Long Thọ và được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm “Tứ bách kệ tụng”, “Bách Luận”, “Bách Tự Luận” với nội dung chủ yếu đả phá các tư tưởng ngoại đạo.
Tương truyền, vì quá tích cực tích cực trong bài xích ngoại đạo đang phổ biến thời bấy giờ nên bị môn đồ ngoại đạo sát hại.
VÔ TRƯỚC
Thỉnh cầu dưới chân Vô Trước Khai sáng Duy Thức tông y theo kinh Phật Nối bước Từ Thị thiện xảo khai triển kinh tạng đại thừa Chỉ dạy đạo lớn rộng.
Vô Trước (C. 無著; S. Asaṅga; T. ཐོགས་མེད། thogs med), 300-390 CN, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, Tổ sư khai phái Duy Thức tông.
Ngài Vô Trước là một người được phú cho những đặc tính bẩm sinh của một vị Bồ-tát. Ban đầu, khi trở thành một Tỳ-kheo, Ngài theo phái Nhất Thuyết Hữu bộ (Sarvastivada), thực hành thiền quán và giải thoát khỏi tham dục. Tôn ảnh Ngài thường được trình bày với ấn Sa Môn như dấu hiệu của sự đoạn niệm, từ bỏ, thoát ly. Tên Vô Trước của Ngài cũng có nghĩa là không còn vướng mắc, chấp trước.

Sau thời gian thực hành thiền định nghiêm mật, nhân duyên viên mãn3Có một truyền tích liên quan đến việc thực hành thiền định cũng như thực hành đại bi tâm của Ngài, có dịp sẽ trình bày trong một bài viết khác., Ngài viếng thăm cõi trời Tuṣita (Đâu-suất) để thọ pháp từ Đức Maitreya (Di-lặc hay Từ Thị). Thế nên ngoài những luận thuyết của riêng mình, tương truyền Ngài cũng phổ biến năm bản luận quan trọng của Đức Di-lặc tức “Từ Thị ngũ luận”4Di-lặc (Từ Thị) ngũ luận bao gồm: (1) Đại Thừa Tối Thượng Luận hoặc Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận (s. mahāyānottaratantra); (2) Pháp Bảo – Pháp Tính Phân Biệt Luận (s. dharmadharmatāvibhāga); (3) Trung Biên Phân Biệt Luận (s. madhyāntavibhāga); (4) Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (s. abhisamayālaṅkāra); (5) Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận (s. mahāyānasūtralaṅkāra)..
Tác phẩm quan trọng của Ngài còn có Du-già Sư Địa luận, Đại thừa A-tì-đạt-ma Tập Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận… Theo một vài truyền thống, Ngài cũng là tác giả của Bí mật tập hội (S. guhyasamāja-tantra), một tác phẩm quan trọng thuộc hệ Vô thượng du-già và vì thế Ngài có một vị trí quan trọng trong Phật giáo Kim Cương Thừa.

THẾ THÂN
Thỉnh cầu dưới chân sư trưởng Thế Thân
Lừng danh đệ nhị nhất thiết trí,
Nắm giữ hệ nhị không và Đối Pháp Thất Luận,
Minh giải ba tông luận Hữu bộ, Kinh bộ và Duy thức.
Thế Thân (C. 世親; S. vasubandhu; T. dbyig gnyen དབྱིག་གཉེན་) là Luận sư xuất sắc của cả ba trường phái Nhất Thiết Hữu bộ (s. sarvāstivādin), Kinh bộ, Duy Thức tông (s. vijñānavādin). Tên Thế Thân (hay Thiên Thân) của Ngài có nghĩa là “Thân thuộc với trời”.
Trước khi trở thành học giả quan trọng của trường phái Duy Thức, Ngài từng là luận sư Hữu Bộ và viết một luận thuyết nổi tiếng trong trường phái chính là bộ luận A-tì-đạt-ma-câu-xá (C. 阿毗達磨俱舍論, S. abhidharmakośa), thường gọi tắt là Câu-xá Luận.
Các học giả Hữu Bộ khi nghiên cứu giáo lý bản phái thường quan tâm tham cứu bộ A-tì-đạt-ma-câu-xá Luận của Ngài. Tuy nhiên, một bộ phận học giả cho rằng trong bộ luận này Ngài nêu những luận điểm mang dáng dấp quan điểm của Kinh Bộ hơn là quan điểm của Hữu Bộ. Mặt khác, một bộ phận của Hữu Bộ xem bộ luận này là Tân Tỳ-bà-sa Luận để đặt cùng với Đại Tỳ-ba-sa Luận (được biên soạn trong Đại hội kết tập kinh điển của Nhất Thiết Hữu bộ năm 78 TCN) và xem như là quan điểm chính thức của phái. Nhìn chung, vẫn khó có thể phủ nhận vai trò của bộ luận này với Hữu Bộ. Đặc biệt, trong truyền thống Phật học Tây Tạng, Câu-xá Luận được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu học thuật nhất là khi dùng nghiên cứu về quan điểm Hữu Bộ. Như trong chương trình Phật học của các tự viện Gelug, bảy năm trong chương trình giảng dạy geshe được dành riêng cho việc nghiên cứu văn bản này.
Từ chỗ toàn tâm nghiên cứu và phát triển quan điểm Nhất Thiết Hữu bộ, Ngài cũng dần dần nhận ra sự hạn chế trong giáo lý của bộ phái này. Ngài bắt đầu có so sánh và chọn lựa những sở trường của tư tưởng Kinh bộ (Sautrāntika) để tu chỉnh lại những chỗ thiếu sót của Hữu bộ. Về sau, gặp và nhận được sự điểm hóa của anh mình là Vô Trước, Ngài gia nhập trường phái Duy Thức Tông. Từ đây, Ngài trở thành học giả quan trọng thứ hai của trường phái Duy Thức. Ngài là người đầu tiên chú giải và hệ thống hóa những tư tưởng Duy Thức của Tôn Sư đồng thời là anh mình – Tôn giả Vô Trước.
TRẦN-NA
Thỉnh cầu dưới chân Trần Na
Nhân minh học giả ban thí lý trí và nhãn tâm,
Lấy sự thế lý, kinh hệ Thích Ca để chỉ ra,
Nên mở rộng trăm cửa nhân minh.
Trần-na (C. 陳那; S. dignāga) một Luận sư nổi tiếng của Duy Thức tông, người cải cách và phát triển Nhân minh học, một môn lý luận độc đáo cho cả Phật giáo và Ấn Độ.
Xuất thân từ gia đình Brahmana (Bà-la-môn) vùng lân cận xứ Kāñcī, nhưng từ nhỏ Ngài đã xuất gia và tu học với vị thầy tên Nāgadatta theo phái Độc Tử bộ. Tuy vẫn thuộc Phật giáo, nhưng trường phái Độc Tử bộ này có điểm khác biệt là thừa nhận sự tồn tại của “ngã”, mặc dù họ cũng không diễn đạt “ngã” đó là thường hay vô thường, cùng hay khác bản chất với năm uẩn…

Thế nên, do mãi vẫn không thể tìm kiếm một cái “ngã” như thế, Ngài bất đồng với học thuyết Độc Tử bộ và lên đường tìm kiếm học thuyết mới. Ngài đã đến tham học và trở thành học trò xuất sắc của Ngài Thế Thân. Ngài có trước tác một bài luận quan trọng về A-tì-đạt-ma-câu-xá Luận của thầy mình.
Trong một cuộc tranh luận giáo lý của các tôn giáo được tổ chức tại viện Nalanda, Ngài được mời đến để đại diện cho Phật giáo. Tại đây, Ngài chứng minh được tài hùng biện và lý luận sắc bén của mình, thắng các vị ngoại đạo nhiều lần. Sau đó, Ngài dành nhiều thời gian để viết ra những quy luật của Nhân minh học và hệ thống hoá những quy luật này nhằm đả phá các tư tưởng ngoại đạo trong các cuộc tranh luận. Các công trình Nhân minh học của Ngài về sau được Pháp Xứng (S. dharmakīrti) thừa kế và phát triển.
Ngài viết rất nhiều luận giải, danh tiếng của Ngài là một Luận sư uyên thâm lan truyền khắp nơi. Tác phẩm quan trọng nhất của Ngài là Tập Lượng Luận (S. pramāṇasamuccaya). Trong đó, Ngài cho rằng có hai con đường để có nhận thức “mới mẻ và không nhầm lẫn” (lượng), đó là qua con đường trực tiếp (hiện lượng) và qua suy luận chân chính (tỷ lượng).
Tương truyền, Ngài vào ẩn cư trong một hang động để viết Tập Lượng Luận. Nhưng khi Ngài ra ngoài và quay lại thì thấy ai đó đã xóa bỏ những ghi chép của Ngài. Ngài đã phải viết lại toàn bộ ghi chép của mình một lần nữa. Thế nhưng, điều tương tự vẫn tiếp tục xảy ra lần thứ hai. Lần này, bên cạnh việc viết lại một lần nữa Ngài đã ghi thêm lời nhắn rằng “Nếu bạn không thích những lời này, hãy đến đối mặt và tranh luận với tôi”. Thế rồi, người đó đã xuất hiện để tranh luận cùng Ngài. Tuy người này thua Ngài về mặt lý luận nhưng lại là một kẻ cố chấp nên đã thổi lửa phá hủy hang động Ngài Trần-na đang ẩn cư.
Bấy giờ, Ngài lấy làm nản lòng về việc không thể khuyến dụ được kẻ cố chấp kia thì làm sao giúp đỡ chúng sinh. Ngài đã ném tấm bảng đá mà Ngài đã viết trên đó lên không trung và nói lời rằng “Nếu tấm bảng rơi xuống, ta sẽ từ bỏ tâm Bồ-đề”. Ngay khi ấy, Đức Văn Thù Sư Lợi hiện ra trên không trung chụp lấy tấm bảng không cho rơi xuống đất và nói với Ngài đừng bao giờ từ bỏ tâm Bồ-đề, khuyên Ngài hãy vì lợi lạc chúng sinh mà tiếp tục tác phẩm của mình. Và sau đó, tác phẩm Tập Lượng Luận đã được Ngài hoàn tất.
PHÁP XỨNG
Thỉnh cầu dưới chân Pháp Xứng
Thiện xảo thuyết pháp thần kỳ,
Thông hiểu toàn thể cốt tủy nhân minh nội và ngoại đạo
Lấy lý đạo xác quyết tất cả Kinh bộ Duy thức thâm quảng.
Pháp Xứng (C. 法稱, S. dharmakīrti) là một trong những Luận sư quan trọng của Duy Thức tông và cũng như của Nhân minh học Phật giáo.
Xuất thân từ dòng dõi Brāhmaṇa, nổi tiếng có trí thông minh đặc biệt. Ngay từ nhỏ, Ngài thừa hưởng nền giáo dục Vệ-đà, sớm tinh thông mọi ngành khoa học và nghệ thuật của thời ấy.

Tuy nhiên, sau một lần tình cờ tiếp xúc và gần như lập tức thông suốt tư tưởng qua một số văn bản Phật giáo, Ngài bị cuốn hút đến mức quyết tâm từ bỏ tất cả đi theo con đường tu sĩ Phật giáo trước sự ngạc nhiên và cả phẫn nộ của gia đình và cộng đồng Brāhmaṇa ở địa phương. Sau khi không thuyết phục được Ngài thay đổi ý định, cộng đồng Brāhmaṇa địa phương buộc Ngài rời làng.
Ngài tìm đến học viện Nalanda trở thành học trò của Pháp Hộ, một học trò còn sót lại của ngài Thế Thân. Đồng thời cũng được tiếp xúc với Nhân minh học qua Tập Lượng Luận cũng như các tác phẩm khác của ngài Trần-na trong thời gian theo học tại Nalanda. Tương truyền rằng, đọc Tập Lượng Luận lần thứ nhất thì Ngài đã nắm được tinh yếu, sau khi đọc thêm lần hai và ba thì Ngài đã thẳng thắn đưa ra những bình luận của mình. Sẽ có những người thấy thái độ của Pháp Xứng khi thẳng thắn bình luận một kiệt tác của tiền bối như Tập Lượng Luận là thiếu tôn kính, thế nhưng tương truyền một học trò còn lại của ngài Trần-na lúc bấy giờ lại vui sướng và ủng hộ Pháp Xứng tiếp tục viết bình giải về danh tác của thầy mình.
Ngài có 7 tác phẩm quan trọng về Nhân minh học gọi chung là Nhân minh thất luận mà trong số đó hay nhắc đến nhất là “Thích Lượng Luận”, tác phẩm Ngài trước tác để chú giải Tập lượng luận. Truyền thống Tây Tạng có giữ lại bảy tác phẩm của Ngài trở thành nền tảng cho luận lý học Phật giáo Tây Tạng.

CÔNG ĐỨC QUANG
Thỉnh cầu dưới chân Công Đức Quang
Bậc thắng trí kiên cố,
Gom tập chủ ý của Thập Vạn Bộ Giới Luật
Y theo Thuyết Hữu Bộ giảng dạy Biệt Giải Thoát không sai.
Công Đức Quang (S. Guṇaprabha; T. ཡོན་ཏན་འོད་, Yönten Ö) là đệ tử của Thế Thân và là một học giả Phật giáo thông suốt Kinh, Luật, Luận. Ngài nổi tiếng nhất trong vai trò Luật sư. Các khảo cứu về Ngài và các tác phẩm triết học của Ngài rất ít. Chủ yếu chúng ta biết đến Ngài với các công trình nghiên cứu về Luật tạng. Những sớ giải của Ngài như Giới Luật (S. Vinaya Sūtra) và Bách Nhất Yết Ma (S. Ekottarakarmaśataka) thường được sử dụng để nghiên cứu về giới luật Phật giáo, nhất là trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng.
THÍCH CA QUANG
Thỉnh cầu dưới chân Thích Ca Quang nghiêm trì giới,
Là kho tàng bảo châu, đức hạnh tam học,
Minh giải ý nghĩa rộng lớn của kinh điển,
Để phát triển lâu dài giáo lý giới luật vô cấu.
Thích Ca Quang (S. Śākyaprabha; T. ཤཱཀྱ་འོད་, Shakya Ö) là đệ tử của Tịch Hộ (S. Santarakshita – cũng là một trong 17 vị Hiền triết Nalanda).
Dễ thấy trong lời kệ tán thán và thỉnh cầu 2 vị Hiền giả Công Đức Quang và Thích Ca Quang đều có nhiều ngôn từ tôn xưng nhị vị như các bậc thầy quan trọng về giới luật.
Ngài đặc biệt có liên hệ với dòng Mulasarvastivada-vinaya kể từ thời của Pháp Vương đầu tiên, Ralpachen (sinh năm 806 CN). Sư phụ của Ngài là Tịch Hộ đã bắt đầu truyền thừa này ở Tây Tạng khi ông truyền giới cho các nhà sư Tây Tạng đầu tiên và thành lập Tu viện Samye (Tang-diên).

(Còn tiếp)
Sorry, the comment form is closed at this time.