[đang thực hiện] Đại học Nalanda và chư vị Hiền triết – Phần 1

Kính lễ Đức Thế Tôn!
Loạt bài này được thực hiện với tín tâm nơi Tam Bảo và lòng thành kính nhớ về một trung tâm Phật học huy hoàng một thời cũng như tri ân chư vị Hiền triết. Con thành kính sám hối những sai sót nếu có trong quá trình thực hiện.

Phần 1: Đại học Phật giáo Nalanda

Mục lục

Khái quát về Đại học Nalanda

 

Đại học Phật giáo Nalanda, trung tâm Phật học vĩ đại nhất trong quá khứ huy hoàng của Ấn Độ, được thành lập trong khoảng thời gian cuối thế kỷ thứ 5 đến đầu thế kỷ thứ 6. Trong thời kỳ hoàng kim, có lúc Nalanda có hơn 30.000 Tăng Ni (trong đó có 2.000 giảng sư) sinh sống, học tập và thực hành. Lúc ấy, Nalanda trở thành trung tâm Phật giáo mà không nơi nào sánh bằng.

Trong sáu trăm năm tồn tại, Nalanda luôn nhận được sự bảo hộ của các vị quân chủ trên vùng đất Ấn Độ cổ đại. Từ vị hoàng đế theo Ấn giáo triều đại Gupta đến các vị hoàng đế theo Phật giáo như hoàng đế Harsha và các hoàng đế vương triều Pala thời kỳ sau đó. Trong nhiều thế kỷ, nhiều bậc thầy Phật giáo vĩ đại nhất của Ấn Độ đã được đào tạo cũng như giảng dạy tại Nalanda.

Nalanda được mô tả trong ghi chép của những người hành hương từ Trung Quốc như là một công trình to lớn với ba tòa nhà chín tầng, bao gồm thư viện chứa hàng triệu đầu sách về nhiều chủ đề khác nhau. Tại Nalanda, Phật giáo dĩ nhiên là tiêu điểm của việc học tập nhưng các môn học khác bao gồm thiên văn học, y học, ngữ pháp, siêu hình học, logic, triết học ngôn ngữ, triết học Hindu cổ điển, triết học phi Ấn Độ, .v.v. cũng được đưa vào chương trình nghiên cứu.

Danh tiếng của trung tâm Phật học này lan rất xa, thậm chí thu hút người học đến cả từ Hy Lạp, Ba Tư, Trung Quốc và Tây Tạng. Tại Nalanda, các Tăng – Ni đến từ cùng một nơi sẽ được sắp xếp trong cùng một khu vực sinh hoạt, trong đó có những ghi chép rõ ràng về một khu vực đông người Tây Tạng tại Nalanda. Sau này, các tu viện Gelug lớn như Sera, Drepung và Ganden cũng có cách sắp xếp tương tự như thế. Lịch sử cũng ghi nhận từng có những người học giả, những nhà tranh biện hàng đầu tại Nalanda là người Tây Tạng.

Cuối thế kỷ thứ 12, đầu thế kỷ 13 (có tài liệu ghi năm 1193 hoặc 1203) các vương triều Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xâm lược Ấn Độ. Một trong những mục đích chính của những cuộc xâm lăng này chính là mong muốn cải đạo những vùng đất mà quân Hồi giáo đi qua. Thế nên, tuy không ở lại lâu dài nhưng quân Hồi giáo đã ra sức hủy hoại các tôn giáo trên vùng đất Ấn Độ trong đó có Phật giáo Ấn Độ. Nhiều trung tâm Phật giáo, tự viện bị phá hủy, kinh sách bị đốt cháy, Tăng – Ni bị giết hại. Nalanda cũng bị phá hủy trong những cuộc tàn phá tôn giáo tàn khốc đó, nhiều Tăng – Ni của Nalanda đã phải lưu vong sang Tây Tạng. Những tòa nhà đồ sộ của Nalanda ngày nào giờ chỉ còn trong các ghi chép, hiện thực chỉ còn là phế tích của một Đại học Phật giáo huy hoàng một thời.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.