Một “Tro tàn rực rỡ” trên màn ảnh rộng

Tro tàn rực rỡ, 4 chữ này nếu không phải tiêu đề truyện của Nguyễn Ngọc Tư thì có lẽ mình đã thấy trong nó sự lạc quan, khi mà ẩn sau đống tro tàn vẫn là sự rực rỡ, như hình tượng phượng hoàng trùng sinh từ tàn tro. Thế nhưng, Tro tàn rực rỡ của Nguyễn Ngọc Tư lại vẽ nên bức tranh về những con người đổ nát trong bi kịch gia đình. Để rồi cuối truyện, như bao truyện khác của Tư, vẫn là sự bế tắc đến tột cùng khi Hậu kể cho chồng nghe những chi tiết chót về vụ cháy cuối cùng với ý nghĩ rằng từ giờ chẳng còn gì để kể thì biết đâu chồng cô chẳng còn về nữa, vì chằng qua bao lâu nay chồng cô quan tâm đến Nhàn hơn chính một người vợ – trên danh nghĩa – như cô…

Được chuyển thể thành phim, bi kịch đến từ chính chồng mình của hai người phụ nữ Nhàn – Hậu phần nào được thể hiện với nhịp phim chậm và các thủ pháp điện ảnh đặc trưng.

Hình ảnh đám cháy nhà – hình ảnh chủ đạo của tứ truyện – được thể hiện quá ấn tượng, nhất là ở cảnh quay đám cháy cuối. Bên trong đám cháy đó, ngọn lửa nuốt chửng những bức ảnh gia đình Nhàn – Tam như minh chứng cho sự đổ nát của một gia đình tưởng chừng êm ấm trong những thước phim đầu tiên. Ngọn lửa cũng nuốt chửng những giỏ đồ mà Nhàn chuẩn bị sẵn do đã quá quen với việc chồng mình thường xuyên tự đốt nhà như thiêu rụi luôn mọi cố gắng của Nhàn trong việc gói ghém những mảnh vỡ hôn nhân….

Các cảnh quay miền Tây sông nước trong phim khá phù hợp cho bối cảnh truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Những cung điệu đờn ca tài tử, giai điệu từ guitar phím lõm, hoặc đôi lúc chỉ là tiếng muỗi vo ve không chỉ giúp gợn những cảm xúc trong phim mà cũng vừa vặn tiếp thêm hồn quê sông nước vào tác phẩm.

Thật lòng mà nói, chuyển thể tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thành phim sẽ phần nào khó hơn chuyển thể thành tác phẩm sân khấu. Bởi truyện của Nguyễn Ngọc Tư nặng về yếu tố nội tâm của nhân vật. Trên sân khấu, bằng yếu tố ước lệ đặc trưng và thiên về sử dụng lời thoại sẽ phần nào truyền tải tốt hơn và khán giả cũng sẽ đồng cảm hơn. Còn trên phim, rất khó để diễn viên có thể tải hết được yếu tố nội tâm đó bằng diễn xuất mà một khi cố gắng dùng lời thoại để truyền tải thì lại dễ sa vào sự sáo rỗng, thiếu chất đời thường, mang nặng lối văn viết mà phim Tro tàn rực rỡ cũng không ngoại lệ khi vẫn còn vướng vào. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó nên chỉ nhận xét chứ không hẳn là điểm trừ. Điểm trừ lớn nhất phim lại chính là phần giọng thoại của Hậu, nhân vật đóng vai trò của người dẫn chuyện. Diễn viên vào vai Hậu không hề có nét giọng miền Tây, đôi lúc còn lơ lớ và đài từ chưa tròn làm một đứa miền Nam như mình phần nào hụt hẫng mỗi khi cô thoại hoặc dẫn truyện.

Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, mình đã quá quen với việc không chỉ khắc khoải vì những cái buồn ngổn ngang bày khắp truyện mà còn vì những cái kết quá bế tắc và ngột ngạt. Thế nên, cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý rằng phim sẽ có một kết cuộc đầy u ám trước khi xem. Tuy nhiên, phân cảnh cuối lại có thể được xem là cái kết mở đầy nhân văn mà Bùi Thạc Chuyên đã khéo léo đưa vào để từ đó khơi dậy hy vọng vào một hạnh phúc mới – hạnh phúc phải do chính bản thân nhân vật tự đi tìm và đem về.

Tóm lại, thì đây vẫn là một phim Việt đáng dành thời gian để chiêm nghiệm

No Comments

Post A Comment